Hướng dẫn sử dụng máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306

Máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 

Là dòng máy toàn đạc điện tử của hãng Leica (Thụy Sỹ) rất ít gặp ở thị trường Việt Nam. Có thiết kế tương tự như các dòng máy Leica như Leica TPS400 Series hoặc Leica TS02/TS06 nhưng Leica Builder 306 có ngoại hình màu vàng và các phím bấm đơn giản hơn.


Để sử dụng được máy toàn đạc Leica Builder 306 này, bạn cần phải có các kỹ năng cơ bản: Máy toàn đạc dùng để làm gì? Định tâm, cân bằng máy như thế nào? Khi nào cần giao hội ngược? Khi nào cần đặt máy tại một điểm và định hướng vào một điểm khác? Bố trí điểm ra ngoài thực địa là như thế nào?... có như vậy các bạn đọc phần này mới có thể thực hành được (nếu các bạn đang có máy hoặc sắp mua máy). Còn nếu không các bạn cần có một người hướng dẫn các bạn để các bạn hiểu các yếu tố cơ bản bên trên.

Tham khảo thêm về sản phẩm Leica tại: https://www.tracdiasaigon.com/collections/may-toan-dac-leica

I. CƠ BẢN 

Để sử dụng Leica Builder 306 các bạn bật nút nguồn của máy lên (nút tròn đỏ - bên cạnh phải của máy). Màn hình hiện lên và sẽ có MENU chính nằm ngang trên đỉnh của màn hình gồm 4 mục: CONFIG, TRANSIT, PROG, DATA (như hình bên dưới).


Bàn phím vật lý gồm:
+ 3 phím ngay phía dưới màn hình: là 3 phím nóng, dùng để thực hiện các lệnh ngay trên màn hình tương ứng.
+ Phía bên phải màn hình: Phím trên cùng là phím chuyển 4 mục MENU như đã nói ở trên (khi bấm nó sẽ chuyển qua lại giữa các MENU). Phím tròn điều hướng 4 phía. Phím ESC (thoát). Phím bật đèn màn hình (có ký hiệu bóng đèn - ở dưới cùng).

II. CONFIG (CẤU HÌNH)

Laser Pointer  : On/Off --> Bật/tắt đèn dẫn hướng (chiếu laser vào điểm đo)
Tracking           : On/Off --> Bật/tắt chế độ đo đuổi (đo nhanh)
Hz Increment  : Left/Right --> Góc bằng hiển thị tăng về bên trái/phải.
V-Setting          : Zenith/Horizon/V% --> Cài đặt hiển thị góc đứng, góc thiên đỉnh, độ dốc ống kính.
Compensator  : On/Off --> Tắt/Bật chế độ bù nghiêng của máy toàn đạc.


Tiếp tục kéo con trỏ với mũi tên xuống, các bạn sẽ nhìn thấy màn hình thứ 2 của CONFIG như trên màn hình:
Beep                     : Key/Off --> Bật/Tắt tiếng kêu khi nhấn vào phím vật lý.
Auto Off               : Disable/Enable ---> Tự động tắt máy sau một khoảng thời gian không sử dụng.
Measure & Record: --> ALL-in-1 (Đo xong và tự động lưu vào bộ nhớ); Measure (chỉ hiển thị); MEAS/REC (Đo và có thể sử dụng REC để lưu điểm đo vào bộ nhớ)

1. DISP (CÀI ĐẶT CHỨC NĂNG HIỂN THỊ)

Ấn phím nóng tương ứng với lệnh DISP phía trên màn hình.



Contrast              : 50% --> Độ tương phản màn hình, nên để ở mức 50%.
Display Heater   : Off/On --> Tắt /bật chế độ sưởi ấm màn hình.
Angle Unit         : Chế độ hiển thị góc, ở Việt Nam nên để mặc định như trên màn hình.
Min. Reading      : Precise/Standard/Simple --> Hiển thị cạnh, tọa độ đo được với 3 chế độ: Chính xác/Tiêu chuẩn/Đơn giản (nên để Precise).
Distance Unit      : Đơn vị đo chiều dài (để ở meter).
Language             : US-English (mặc định là Tiếng Anh Mỹ).

2. COM (CÀI ĐẶT THÔNG SỐ TRUYỀN DỮ LIỆU)


Máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 là dòng máy cho phép sử dụng USB để nhập hoặc xuất dữ liệu ra bên ngoài (máy tính), nên trường hợp này chỉ cần chú ý mục đầu tiên là Data Output cài đặt là Int.Mem là được (điểm đo lưu vào bộ nhớ trong), còn các mục bên dưới chỉ cần khi trút số liệu qua phần mềm Flexoffice Advanced thì cần dùng đến (để cài đặt cho các thông số truyền trên máy đo và máy tính giống nhau.


Hình trên các bạn thấy là máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 được gắn kèm với một USB có logo của hãng Leica 1GB (USB thì không quan trọng lắm).

3. TIME (CÀI ĐẶT THỜI GIAN TRÊN MÁY ĐO)


Phần này không quan trọng lắm, các bạn có thể cài đặt tùy theo sở thích của mình.

III. TRANSIT (MÀN HÌNH ĐO GÓC)

Ở phần này chữ TRANSIT có thể chỉ có trên máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 dành cho ngôn ngữ US-English, còn một số dòng máy xuất khẩu cho các thị trường khác chữ TRANSIT có thể được chuyển thành chữ THEO (nhưng về cơ bản là chức năng giống nhau).


Chức năng sử dụng ở phần này cũng khá đơn giản. Về cơ bản chỉ có 2 dòng hiển thị góc bằng (góc nằm ngang) Hz và góc đứng (thiên đỉnh) V mà thôi. Chúng ta có thể thay đổi chế độ hiển thị góc Hz và V tại đây bằng cách bấm nút tròn điều hướng (bên phải màn hình), bấm sang trái/phải tương ứng với đổi chế độ hiển thị cho góc bằng Hz, bấm lên trên/xuống dưới tương ứng đổi chế độ hiển thị góc đứng, thiên đỉnh, % độ dốc ống kính.

1. Hz HOLD (Giữ góc bằng)

Khi nhấn nút này, màn hình hiển thị "Hz-Angle is hold Turn Instrument Orientation will be changed and set". Có nghĩa là khi màn hình này đang hiển thị thì khi ta quay máy đi hướng khác nhưng góc bằng Hz được giữ lại và không thay đổi, sau khi nhấn OK. Chức năng này trong thực tế thường rất rất ít khi được sử dụng.

2. Hz = 0 (Quy không hướng mở đầu)

Khi nhấn nút này, màn hình sẽ hiển thị "Set Hz = 0.0000. Orientation will be changed and set". Có nghĩa khi màn hình đang hiển thị như thế này, mình quay máy đến một hướng mục tiêu nào đó rồi dừng lại và nhấn OK thì góc bằng Hz lúc này sẽ trở về 0 00 00.

3. LEVEL (Bật chế độ cân bằng điện tử)

Phần này là cơ bản, mục đích là để giúp cần bằng và định tâm tại mốc. Với máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 cũng giống các dòng máy toàn đạc điện tử Leica khác là không có bọt thủy nằm ngang mà chỉ có 2 bọt thủy tròn, nên bắt buộc chúng ta muốn cân bằng máy thì cần phải bật tính năng này lên. Ngoài ra máy toàn đạc Leica Builder 306 còn có dọi tâm bằng tia laser nên việc định tâm máy sẽ nhanh hơn một chút so với định tâm quang học.

IV. PROG (CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐO ĐẠC)


Ở phần này, mình sẽ giúp các bạn cách để thao tác một số các ứng dụng đo đạc có trên máy (chứ không đi sâu vào từng vị trí của của các ký hiệu). Ở màn hình chính của mục này gồm có phần hiển thị tọa độ (N, E, H) và 3 phím chức năng phía dưới gồm: APPL (các ứng dụng); MEASURE (phím đo); SETUP (cài đặt trạm máy và định hướng). Sau đây chúng ta sẽ làm từng mục.

1. SETUP (cài đặt trạm máy và định hướng)

Giả sử đã có 2 điểm dùng làm điểm trạm máy, đã biết tọa độ X, Y, Z. Trước khi tiến hành các công việc như bố trí điểm ra ngoài thực địa hoặc đo khảo sát... chúng ta cần cài đặt trạm máy và trạm định hướng. Một điểm đặt máy được gọi là trạm máy, điểm còn lại sẽ là điểm định hướng. Ngoài cách này thì còn một cách khác để xác định trạm máy là giao hội ngược, tuy nhiên điều này lại chỉ nên thực hiện trong trường hợp đặc biệt còn lại hầu hết chúng ta nên đặt máy tại mốc sẽ là phương pháp tối ưu nhất.



Chọn SETUP màn hình hiện ra như trên, tiếp tục chọn Coordinates... tiếp tục chọn OK, màn hình hiện ra 2 lựa chọn: (Over Known Station...Anywhere...) chúng ta chỉ chọn dòng Over Known Station... và chọn OK.


Tới đây màn hình sẽ xuất hiện dòng chữ Enter Height of Instrument and Reflector và 2 dòng: hi hr, chúng ta sẽ khai báo chiều cao máy hi và chiều cao gương hr (đơn vị của chúng là m), sau đó tiếp tục nhấn OK.


Ở đây sẽ xuất hiện một số lựa chọn nhập điểm trạm máy:
a. Tại dòng Pt: Dùng con trỏ để chọn những điểm tọa độ có sẵn trong bộ nhớ để làm trạm máy.
b. P-LIST để tìm kiếm theo tên (Search ID) của trạm máy đã biết có sẵn trong bộ nhớ.
c. NEW PT Nhập mới tọa độ một điểm để làm trạm máy (chúng ta sẽ chọn cách này)


Sau khi chọn NEW PT màn hình yêu cầu nhập tọa độ trạm máy (Enter Point Coordinates). Chúng ta sẽ tiến hành như sau:
Pt              : Tên của trạm đặt máy
N (Line)    : Nhập tọa độ X (trắc địa) của trạm máy
E (Offset) : Nhập tọa độ Y (trắc địa) của trạm máy
H (Elv)      : Nhập độ cao Z của trạm máy.

Cách nhập CHỮ và SỐ của 4 dòng trên đều dùng phím vật lý tròn 4 hướng để chọn, cách nhập là kéo qua trái-qua phải và kéo lên-kéo xuống để hiện ra ký tự cần nhập. Nhập xong mỗi dòng thì phải nhấn OK. Đây là phần hạn chế một chút so với các phiên bản máy toàn đạc điện tử Leica có phím số vật lý. Tuy nhiên làm quen tay rồi thì việc nhập cũng dễ dàng và không mất quá nhiều thời gian.

Ghi chú: Tọa độ vuông góc trong trắc địa (ví dụ VN2000) lấy trục X là hướng Bắc nên N tương đương với X và E tương đương với Y. Chúng sẽ ngược với trục tọa độ toán học (áp dụng trong Autocad và các phần mềm vẽ bản đồ). 



Sau khi đã nhập xong phần trạm máy (tên điểm, E, N, H) và chọn OK thì màn hình xuất hiện như trên Select Orientation Method yêu cầu chúng ta chọn phương pháp để định hướng.
a. Manual Angle Setting: Định hướng bằng góc phương vị một cách thủ công.
b. Known Backsight Point: Định hướng vào một điểm đã biết tọa độ (chúng ta chọn cách này).

Sau khi chọn Known Backsight Point và nhấn OK màn hình xuất hiện:


Ở màn hình này, việc nhập tên điểm định hướng Pt, và N, E, H là tương tự như cách nhập của phần trạm máy phía trên.
Sau khi nhập xong nhấn OK, màn hình xuất hiện chữ Measure backsight point! (yêu cầu ngắm và đo đến điểm định hướng). Quay máy ngắm chính xác mục tiêu tại điểm định hướng và tiếp tục nhấn OK. Lúc này màn hình xuất hiện dòng chữ Station and Orientation will be changed and set (trạm máy và trạm định hướng đã được thay đổi và cài đặt). Chọn YES để kết thúc phần này.

Quan trọng: Đến phần này việc cài đặt trạm máy và định hướng đã hoàn tất, tuy nhiên chúng ta cần có một bước, bước này là bước KIỂM TRA trước khi làm việc với các ứng dụng khác. Kiểm tra như sau: Ống kính vẫn đang ngắm ở gương tại điểm định hướng và màn hình đang ở PROG, chọn phím APPL, xuất hiện 1 danh sách ứng dụng - bây giờ ta chọn As Built... và nhấn OK, màn hình xuất hiện có chữ As Built. Nhấn phím MEASURE để đo tọa độ tại điểm định hướng. Sau khi đo xong, quan sát 3 dòng N, E, Ht nếu chúng trùng khớp với N, E, Ht tại điểm tọa độ định hướng đã biết (hoặc lệch trong giới hạn cho phép) thì tới đây quá trình cài đặt trạm máy và định hướng đã đạt yêu cầu. Viết thì hơi dài dòng nhưng các bạn thực hành một vài lần sẽ thấy việc làm này rất nhanh, đơn giản và đảm bảo đo đạc chính xác.

2. APPL (Giới thiệu và cách sử dụng một số ứng dụng cơ bản)
Máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 có tổng cộng 9 ứng dụng.
Trong đó có 5 ứng dụng cơ bản và thường dùng trong khảo sát và xây dựng:
+ Layout... (Bố trí điểm thiết kế ra ngoài thực địa)
+ As Built... (Đo khảo sát)
+ Angle & Distance... (Đo góc và đo cạnh)
+ Tie Distance... (Đo khoảng cách giữa các điểm hoặc giữa 2 điểm)
+ Area & Volumes... (Đo diện tích và thể tích).

Ngoài ra còn ứng dụng được Leica cho phép dùng thử như:
+ Parallel Lines... (Bố trí đường thẳng song song)
+ Hidden Point... (Đo điểm khuất)
+ COGO... (Một số tiện ích tính toán)
+ Layout Line/Arc/Spiral... (Bố trí đường thẳng, đường cong, đường xoắn ốc).

Bây giờ chúng ta sẽ đi vào từng ứng dụng cụ thể:


ỨNG DỤNG LAYOUT
Đây là ứng dụng mà hầu như máy toàn đạc điện tử nào cũng có và phải có, chúng được ứng dụng trong xây dựng, quy hoạch, giao thông, thủy lợi... và máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 cũng không thể thiếu chúng, với chữ Builder có lẽ nhà sản xuất hướng sản phẩm này sang một lĩnh vực đó là xây dựng.

Sau khi xác lập trạm máy, định hướng xong (đã làm ở trên). Ở mục PROG chọn APPL và chọn tiếp Layout... nhấn OK, xuất hiện màn hình sau:


Màn hình Layout bao gồm:
Dòng đầu tiên: Tên điểm cần bố trí có sẵn trong bộ nhớ (phần này mình sẽ hướng dẫn cách nhập ở mục DATA)
3 dòng tiếp theo: Hiển thị tọa độ N, E, H của điểm cần bố trí.

Bước 1: Nhìn sang bên phải có dòng Turn Builder với dấu mũi tên quay sang phải hoặc sang trái. Đây chính là hướng mà máy phải quay để trùng với hướng từ máy đến điểm cần bố trí. Chúng ta quay máy, kết hợp ốc vi động cho tới khi nào giá trị góc ở dòng thứ hai bên dưới chữ Turn Builder về giá trị 000 00 00 thì chữ Turn Builder sẽ biến mất. Đây chính là hướng mà điểm cần bố trí sẽ ở trên hướng này.

Bước 2: Trên hướng ngắm này, cố định hướng ngắm (không quay máy và chỉnh ốc vi động nữa). Điều chỉnh người đi gương đi trên hướng ngắm với khoảng cách tương ứng với giá trị ở dòng đầu tiên dưới dòng Turn Builder sao cho máy phải ngắm được vào quả gương. Nhấn phím MEASURE để đo. Lúc này màn hình phía bên dưới chữ Turn Builder vừa nãy sẽ xuất hiện 3 giá trị sau.


Quan sát: 
Dòng đầu tiên: là sai số chiều dài cạnh của điểm bố trí, trong trường hợp này là 0.000 m là điểm đã đặt đúng tại điểm cần bố trí. Tuy nhiên ngoài thực tế thì thường không thể = 0.000 m như vậy. Chúng sẽ thừa hoặc thiếu để được = 0.000 m, lúc này dựa vào chiều của mũi tên (cùng dòng) để điều chỉnh người cầm gương tiến về máy hoặc ra xa máy và tiến hành nhấn phím MEASURE đo lại cho tới khi nào dòng này = 0.000 m thì OK.
Dòng thứ hai: Thường thì sẽ là giá trị = 0.000 m (đây là sai số về góc của điểm cần bố trí) do chúng ta đã đưa góc ở phần trên về giá trị 000 00 00 rồi nên phần này không bị sai số nữa.
Dòng thứ ba: Giá trị về sai số độ cao của điểm cần bố trí (chỉ quan tâm trong trường hợp ta bố trí điểm có sử dụng độ cao H). Nếu sai chúng sẽ báo giá trị và hướng của sai số.

Đến đây là chúng ta đã xong phần bố trí điểm ra ngoài thực địa, phần này khá đơn giản về mặt lý thuyết. Khi đã có điểm cần bố trí, máy toàn đạc sẽ giúp chúng ta tính toán hướng cần bố trí (góc) và cạnh cần bố trị (chiều dài từ máy), ngoài ra còn thêm cả độ cao. Nhưng trong thực tế, việc bố trí một điểm thường phải mất nhiều thời gian hơn chủ yếu là sự kết hợp giữa người đứng máy và người cầm gương và khoảng cách xa hay gần của điểm cần bố trí. Đo đạc không khó nhưng điều quan trọng là phải đạt được độ chính xác mà công trình yêu cầu.

ỨNG DỤNG AS BUILT
Đây chính là ứng dụng mà chúng ta đã sử dụng ngay sau phần đặt trạm máy và định hướng để kiểm tra. Phần này rất đơn giản, tại mục PROG --> APPL --> As Built... nhấn OK. Màn hình xuất hiện:


Ngắm tới gương tại vị trí cần đo và nhấn phím MEASURE để bắt đầu. Tùy vào mục đích, có thể cài đặt tùy chọn đo lưu vào bộ nhớ hoặc đo chỉ để xem kết quả. Phần cài đặt tùy chọn này đã có ở mục CONFIG phía trên. Công việc đo các điểm khác là tương tự, ngắm vào gương và lặp lại như trên.

Tham khảo thêm các bài viết khác tại: https://www.tracdiasaigon.com/blogs/huong-dan

Người viết bài: Nguyễn Quang Hải
Hướng dẫn sử dụng máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 Hướng dẫn sử dụng máy toàn đạc điện tử Leica Builder 306 Reviewed by Blogtracdia on 4/16/2019 Rating: 5
Được tạo bởi Blogger.